5/5 - (1 bình chọn)

Ngày nay, sự chuyên nghiệp, chất lượng trong lĩnh vực xây dựng đang trở thành ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt là khi nhu cầu về nhà ở, văn phòng, cơ sở hạ tầng càng tăng cao, các chủ đầu tư và khách hàng cũng quan tâm hơn đến độ bền của công trình. Để đáp ứng được những tiêu chuẩn về an toàn, chứng chỉ hành nghề xây dựng đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về cơ sở pháp lý, điều kiện cụ thể và quy trình để có chứng chỉ hành nghề xây dựng thì hãy cùng Jobsnew cập nhật thông tin qua bài viết dưới đây.

1. Tổng quan về chứng chỉ hành nghề xây dựng

Chứng chỉ hành nghề lao động
Chứng chỉ hành nghề xây dựng là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng

1.1 Khái niệm

Chứng chỉ hành nghề xây dựng là văn bản xác nhận năng lực hành nghề, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp trong lĩnh vực xây dựng. Cụ thể hơn thì chứng chỉ hành nghề xây dựng do Bộ Xây Dựng và Sở Xây Dựng cấp cho những cá nhân có đủ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm khi tham gia vào các công việc xây dựng tại Việt Nam.

Chứng chỉ hành nghề xây dựng có chức năng chứng minh năng lực chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp của người hành nghề. Nó là căn cứ để các tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong lĩnh vực xây dựng. Đồng thời cũng là điều kiện để cá nhân tham gia các hoạt động xây dựng theo đúng quy định của pháp luật đặt ra.

1.2 Cơ sở pháp lý

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 149 của Luật Xây dựng năm 2014: “Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng là văn bản xác nhận năng lực hành nghề, do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân quy định tại khoản 3 Điều 148 của Luật này có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp về lĩnh vực hành nghề.”

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 149 của Luật Xây dựng năm 2014, các cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng phải đáp ứng các điều kiện như sau: “Có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề; có thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề; đã qua sát hạch kiểm tra kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề.”

1.3 Cơ quan thẩm quyền cấp chứng chỉ

Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 64 Nghị định 15/2021/NĐ-CP. Dưới đây là các cơ quan và thẩm quyền tương ứng:

  • Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng: Cấp chứng chỉ hành nghề hạng I.
  • Sở Xây dựng: Cấp chứng chỉ hành nghề hạng II và hạng III.
  • Tổ chức xã hội – nghề nghiệp được công nhận: Cấp chứng chỉ hành nghề hạng II và hạng III cho cá nhân là hội viên, thành viên của tổ chức đó.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về thẩm quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề, trong đó cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ cũng có thẩm quyền thu hồi. Trong trường hợp cơ quan cấp chứng chỉ không thực hiện thu hồi một số chứng chỉ không đúng quy định, Bộ Xây dựng sẽ đảm nhận trực tiếp quyết định thu hồi.

2. Phân loại của chứng chỉ hành nghề xây dựng ở các lĩnh vực cụ thể

chứng chỉ hành nghề xây dựng
Các loại chứng chỉ hành nghề xây dựng hiện nay

Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có thời hạn 05 năm và được công nhận trên toàn quốc, theo quy định của Nghị định 15/2021/NĐ-CP. Dưới đây là danh sách các loại chứng chỉ hành nghề xây dựng dựa trên các lĩnh vực:

2.1 Lĩnh vực khảo sát xây dựng

Dựa vào khảo sát xây dựng, chúng ta có 2 loại chính là: Khảo sát địa hình và khảo sát địa chất công trình. Phạm vi hoạt động xây dựng của chứng chỉ hành nghề được quy định như sau:

  • Hạng I: Làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng tất cả các nhóm dự án và cấp công trình cùng lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
  • Hạng II: Làm hủ nhiệm khảo sát xây dựng dự án nhóm B và công trình cấp II trở xuống cùng lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
  • Hạng III: Làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng dự án nhóm C và dự án có yêu cầu lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, công trình cấp III trở xuống trong cùng lĩnh vực ghi trong chứng chỉ.

2.2 Lĩnh vực lập thiết kế quy hoạch xây dựng

Dựa trên lập thiết kế quy hoạch xây dựng, phạm vi hoạt động của chứng chỉ hành nghề xây dựng được quy định cụ thể như sau:

  • Hạng I: Làm chủ nhiệm đồ án, chủ trì thiết kế quy hoạch xây dựng cho tất cả các đồ án quy hoạch.
  • Hạng II: Làm chủ nhiệm đồ án, chủ trì thiết kế quy hoạch xây dựng lĩnh vực chuyên môn của tất cả đồ ác quy hoặc thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND (Ủy ban nhân dân) cấp tỉnh, UBND (Ủy ban nhân dân) cấp huyện.
  • Hạng III: Làm chủ nhiệm đồ án, chủ trì thiết kế quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND (Ủy ban nhân dân) cấp huyện.

2.3 Lĩnh vực hành nghề thiết kế xây dựng

các lĩnh vực hành nghề thiết kế xây dựng
Thiết kế xây dựng được chia thành nhiều loại cụ thể

Thiết kế xây dựng được chia thành các loại cụ thể như sau:

Thiết kế kết cấu công trình

  • Hạng I: Làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì, thẩm tra thiết kế các kết cấu dạng nhà, cột, trụ, tháp, bể chứa, si lô, tuyến ống/cống, tuyến cáp treo vận chuyển người và các dạng kết cấu khác của tất cả các cấp công trình.
  • Hạng II: Làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì, thẩm tra thiết kế các kết cấu dạng nhà, cột, trụ, tháp, bể chứa, si lô, tuyến cáp treo vận chuyển người và các dạng kết cấu khác của công trình từ cấp II trở xuống.
  • Hạng III: Làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì, thẩm tra thiết kế các kết cấu dạng nhà, cột, trụ, tháp, bể chứa, si lô, tuyến cáp treo vận chuyển người và các dạng kết cấu khác của công trình từ cấp III trở xuống.

Thiết kế cơ – điện công trình

  • Hạng I: Làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì, thẩm tra thiết kế bộ môn cơ – điện của tất cả các cấp công trình.
  • Hạng II: Làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì, thẩm tra thiết kế bộ môn cơ – điện của công trình từ cấp II trở xuống.
  • Hạng III: Làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì, thẩm tra thiết kế bộ môn cơ – điện của công trình cấp III, cấp IV.

Thiết kế cấp – thoát nước công trình

  • Hạng I: Làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì, thẩm tra thiết kế bộ môn cấp – thoát nước của tất cả các cấp công trình.
  • Hạng II: Làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì, thẩm tra thiết kế bộ môn cấp – thoát nước của công trình từ cấp II trở xuống.
  • Hạng III: Làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì, thẩm tra thiết kế bộ môn cấp – thoát nước của công trình cấp III, cấp IV.

Thiết kế xây dựng công trình khai thác mỏ và thiết kế xây dựng công trình giao thông (đường bộ, đường sắt, cầu – hầm, đường thủy nội địa – hàng hải) cùng quy định:

  • Hạng I: Làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì, thẩm tra thiết kế tất cả các cấp công trình thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
  • Hạng II: Làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế các công trình thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề từ cấp II trở xuống.
  • Hạng III: Làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì, thẩm tra thiết kế các công trình thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề từ cấp III trở xuống.

Thiết kế xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật (cấp nước – thoát nước, xử lý chất thải rắn)

  • Hạng I: Làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì, thẩm tra thiết kế tất cả các cấp công trình thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
  • Hạng II: Làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì, thẩm tra thiết kế các công trình thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề từ cấp II trở xuống.
  • Hạng III: Làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì, thẩm tra thiết kế các công trình thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề từ cấp III trở xuống.

Thiết kế xây dựng công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn (thủy lợi, đê điều)

  • Hạng I: Làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì, thẩm tra thiết kế tất cả các cấp công trình thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
  • Hạng II: Làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì, thẩm tra thiết kế các công trình thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề từ cấp II trở xuống.
  • Hạng III: Làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì, thẩm tra thiết kế các công trình thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề từ cấp III trở xuống.

2.4 Lĩnh vực hành nghề giám sát xây dựng

Những lĩnh vực hành nghề giám sát xây dựng bao gồm:

  • Giám sát xây dựng công trình dân dụng – công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật.
  • Giám sát xây dựng công trình giao thông.
  • Giám sát xây dựng công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn (thủy lợi, đê điều).
  • Giám sát lắp đặt thiết bị vào công trình.

Phạm vi hoạt động của lĩnh vực này được quy định cụ thể như sau:

  • Hạng I: Làm giám sát trưởng các công trình thuộc lĩnh, vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề; được làm giám sát viên thi công xây dựng tất cả các cấp công trình thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
  • Hạng II: Làm giám sát trưởng các công trình từ cấp II trở xuống thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề; được làm giám sát viên thi công xây dựng tất cả các cấp công trình thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
  • Hạng III: Làm giám sát trưởng các công trình từ cấp III trở xuống thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề; được làm giám sát viên thi công xây dựng tất cả các cấp công trình thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề.

2.5 Lĩnh vực định giá xây dựng

Phạm vi hoạt động của lĩnh vực định giá xây dựng quy định như sau:

  • Hạng I: Làm chủ trì thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng không phân biệt loại, nhóm dự án và loại, cấp công trình xây dựng.
  • Hạng II: Làm chủ trì thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng các loại dự án từ nhóm B trở xuống và các loại công trình từ cấp II trở xuống.
  • Hạng III: Làm chủ trì thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng các loại dự án nhóm C, dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và các loại công trình từ cấp III trở xuống.

2.6 Lĩnh vực quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình

Lĩnh vực quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình bao gồm các nội dung:

  • Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng – công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật.
  • Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông.
  • Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn (thủy lợi, đê điều).

Phạm vi hoạt động của lĩnh vực này được quy định như sau:

  • Hạng I: Làm giám đốc quản lý dự án tất cả các nhóm dự án thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
  • Hạng II: Làm giám đốc quản lý dự án nhóm B, nhóm C thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
  • Hạng III: Làm giám đốc quản lý dự án nhóm C và dự án chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề.

Ngoài ra, theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP, một số hoạt động xây dựng không yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề, bao gồm:

  • Thiết kế, giám sát hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trong công trình.
  • Thiết kế, giám sát công tác hoàn thiện công trình như trát, ốp lát, sơn, lắp đặt cửa, nội thất và các công việc tương tự không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình.
  • Các hoạt động xây dựng đối với công trình cấp IV; công viên cây xanh; đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông.

3. Điều kiện chung và riêng cho các loại chứng chỉ hành nghề xây dựng

Điều kiện của các loại chứng chỉ hành nghề xây dựng
Để đạt được chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực xây dựng, cá nhân cần đáp ứng một số điều kiện cần thiết

3.1 Điều kiện chung

Để đạt được chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực xây dựng, cá nhân cần đáp ứng các điều kiện sau đây:

Năng lực hành vi dân sự

  • Phải đảm bảo đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
  • Cần có giấy tờ về cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Trình độ chuyên môn và kinh nghiệm

  • Hạng I: Đã đạt trình độ đại học trong chuyên ngành liên quan. Có kinh nghiệm tham gia công việc xây dựng ít nhất 7 năm.
  • Hạng II: Đã đạt trình độ đại học trong chuyên ngành liên quan. Có kinh nghiệm tham gia công việc xây dựng ít nhất 4 năm.
  • Hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp. Có kinh nghiệm tham gia công việc xây dựng ít nhất 2 năm (đối với đạt trình độ đại học) hoặc 3 năm (đối với đạt trình độ cao đẳng hoặc trung cấp).
  • Sát hạch: Phải đạt yêu cầu sát hạch đối với lĩnh vực cụ thể mà cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực xây dựng.

3.2 Điều kiện riêng cho các hạng chứng chỉ

Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng

  • Hạng I: Có kinh nghiệm chủ nhiệm khảo sát xây dựng trong lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ, với ít nhất 01 dự án từ nhóm A hoặc 02 dự án từ nhóm B trở lên hoặc ít nhất 01 công trình từ cấp I trở lên hoặc 02 công trình từ cấp II trở lên.
  • Hạng II: Có kinh nghiệm chủ nhiệm khảo sát xây dựng trong lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ, với ít nhất 01 dự án từ nhóm B trở lên hoặc 02 dự án từ nhóm C trở lên hoặc ít nhất 01 công trình từ cấp II trở lên hoặc 02 công trình từ cấp III trở lên.
  • Hạng III: Đã tham gia khảo sát xây dựng trong lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ, với ít nhất 01 dự án từ nhóm C hoặc 02 dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng trở lên hoặc ít nhất 01 công trình từ cấp III trở lên hoặc 02 công trình từ cấp IV trở lên.

Chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng

  • Hạng I: Có kinh nghiệm làm chủ nhiệm hoặc chủ trì lập thiết kế quy hoạch xây dựng, với ít nhất 01 đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc 02 đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền và đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt.
  • Hạng II: Có kinh nghiệm làm chủ nhiệm hoặc chủ trì lập thiết kế quy hoạch xây dựng, với ít nhất 01 đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền và đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt hoặc 02 đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền và đã được UBND cấp huyện phê duyệt.
  • Hạng III: Đã tham gia lập thiết kế quy hoạch xây dựng, với ít nhất 01 đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền và đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt hoặc 02 đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền và đã được UBND cấp huyện phê duyệt.

Chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng

  • Hạng I: Đã làm chủ nhiệm hoặc chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế, với ít nhất 01 công trình từ cấp I trở lên hoặc ít nhất 02 công trình từ cấp II trở lên thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
  • Hạng II: Đã làm chủ nhiệm hoặc chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế, với ít nhất 01 công trình từ cấp II trở lên hoặc ít nhất 02 công trình từ cấp III trở lên hoặc đã tham gia thiết kế, thẩm tra thiết kế phần việc liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, với ít nhất 03 công trình từ cấp II trở lên.
  • Hạng III: Đã tham gia thiết kế, thẩm tra thiết kế, với ít nhất 03 công trình từ cấp III trở lên hoặc 05 công trình từ cấp IV trở lên thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng

  • Hạng I: Đã làm giám sát trưởng hoặc chỉ huy trưởng công trường hoặc chủ trì thiết kế xây dựng, với ít nhất 01 công trình từ cấp I trở lên hoặc 02 công trình từ cấp II trở lên thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
  • Hạng II: Đã làm giám sát trưởng hoặc chỉ huy trưởng công trường hoặc chủ trì thiết kế xây dựng, với ít nhất 01 công trình từ cấp II trở lên hoặc 02 công trình từ cấp III trở lên thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
  • Hạng III: Đã tham gia giám sát thi công xây dựng hoặc tham gia thiết kế xây dựng hoặc thi công xây dựng phần việc, với ít nhất 01 công trình từ cấp III trở lên hoặc 02 công trình từ cấp IV trở lên thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

Chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng

  • Hạng I: Chủ trì quản lý chi phí đầu tư xây dựng của ít nhất 01 dự án từ nhóm A hoặc 02 dự án từ nhóm B trở lên hoặc 01 công trình từ cấp 1 hoặc 02 công trình từ cấp II trở lên.
  • Hạng II: Chủ trì quản lý chi phí đầu tư xây dựng của ít nhất 01 dự án từ nhóm B hoặc 02 dự án từ nhóm C trở lên hoặc 01 công trình từ cấp II hoặc 02 công trình từ cấp III trở lên.
  • Hạng III: Tham gia thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng của ít nhất 01 dự án từ nhóm C hoặc 02 dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng trở lên hoặc 01 công trình từ cấp III trở lên hoặc 02 công trình từ cấp IV trở lên.

Chứng chỉ hành nghề quản lý dự án

  • Hạng I: Làm giám đốc quản lý dự án của ít nhất 01 dự án từ nhóm A hoặc 02 dự án từ nhóm B trở lên thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề. Hoặc có một trong ba loại chứng chỉ hành nghề tương ứng và đã tham gia quản lý dự án của ít nhất 01 dự án từ nhóm A hoặc 02 dự án từ nhóm B trở lên thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
  • Hạng II: Làm giám đốc quản lý dự án của 01 dự án từ nhóm B hoặc 02 dự án từ nhóm C trở lên thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề. Hoặc có một trong ba loại chứng chỉ hành nghề tương ứng và đã tham gia quản lý dự án của ít nhất 01 dự án từ nhóm B hoặc 02 dự án từ nhóm C hoặc 03 dự án có yêu cầu lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật trở lên thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
  • Hạng III: Tham gia quản lý dự án của ít nhất 01 dự án từ nhóm C trở lên thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

4. Quy trình và chuẩn bị hồ sơ để xin cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng

Chứng chỉ hành nghề xây dựng
Hiểu quy trình và chuẩn bị hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng giúp công việc được suôn sẻ

4.1 Trình tự cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng

  • Nộp hồ sơ: Cá nhân có thể nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề qua mạng trực tuyến, bưu điện, hoặc trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ (địa chỉ được cung cấp chi tiết).
  • Tiếp nhận hồ sơ: Cơ quan sẽ tiếp nhận hồ sơ sau khi nhận được đủ thông tin và tài liệu cần thiết từ cá nhân.
  • Xử lý yêu cầu: Sau khi kiểm tra và đảm bảo hồ sơ đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý yêu cầu. Trong trường hợp cấp chứng chỉ hành nghề lần đầu, quá trình này sẽ được hoàn thành trong vòng 20 ngày. Nếu hồ sơ không đủ hoặc không hợp lệ, cơ quan sẽ thông báo bằng văn bản cho cá nhân trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ.

Lưu ý: Đối với cá nhân chưa có kết quả sát hạch, thời hạn xét cấp chứng chỉ sẽ được tính từ thời điểm có kết quả sát hạch.

4.2 Chuẩn bị hồ sơ để xin cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng

Danh sách hồ sơ cần chuẩn bị để đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng lần đầu, theo quy định của Điều 76 Nghị định 15/2021/NĐ-CP:

  • Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề: Điền đầy đủ thông tin theo Mẫu số 01 Phụ lục IV.
  • 02 ảnh màu cỡ 4 x 6 cm: Ảnh chân dung chụp trong thời gian không quá 06 tháng, với nền màu trắng.
  • Văn bằng đào tạo: Văn bằng cấp phù hợp với loại, hạng chứng chỉ đề nghị cấp. Đối với văn bằng nước ngoài, cần bản hợp pháp hóa lãnh sự và bản dịch sang tiếng Việt được công chứng. Quyết định phân công công việc hoặc văn bản xác nhận của đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư. Nêu rõ các công việc tiêu biểu đã hoàn thành. Người ký xác nhận chịu trách nhiệm về tính trung thực của nội dung xác nhận. Đối với cá nhân hành nghề độc lập, cần có hợp đồng và biên bản nghiệm thu các công việc đã kê khai.
  • Giấy tờ hợp pháp về cư trú hoặc giấy phép lao động: Cấp đối với người nước ngoài, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
  • Bản sao kết quả sát hạch: Nếu đã sát hạch trước ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

5. Một số câu hỏi thường gặp

chứng chỉ hành nghề xây dựng
Có một số thắc mắc cần được giải đáp liên quan đến chứng chỉ hành nghề xây dựng

CH1: Tra cứu chứng chỉ hành nghề xây dựng như thế nào?

Để tra cứu thi chứng chỉ hành nghề xây dựng, bạn có thể thực hiện các bước sau:

  • Truy cập đường link: https://nangluchdxd.gov.vn/Canhan.
  • Nhập mã số chứng chỉ vào ô từ khóa, nhập mã xác nhận, và chọn tìm kiếm.
  • Màn hình hiển thị thông tin người sở hữu chứng chỉ, chọn mục chi tiết để xem thông tin đầy đủ.
  • Kiểm tra thông tin trên màn hình có trùng khớp với thông tin trên chứng chỉ hay không.

CH2: Mẹo thi chứng chỉ hành nghề xây dựng?

Mẹo luyện thi chứng chỉ hành nghề xây dựng:

  • Chia nhỏ đề, học từng phần khoảng 30-50 câu/ngày.
  • Ôn vào buổi tối hoặc sáng sớm, sử dụng ứng dụng ôn tập trực tuyến.
  • Ghi nhớ từ khóa và thứ tự sắp xếp các câu trả lời.
  • Thi thử nhiều lần, ghi chú và ôn lại câu trả lời sai.
  • Tận dụng nguồn tài nguyên miễn phí và học trên điện thoại.
  • Ôn tập đều đặn, học kiến thức pháp luật trước rồi tập trung vào kiến thức chuyên môn.

6. Kết luận

Chứng chỉ hành nghề xây dựng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng công trình và an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng. Việc cá nhân có được chứng chỉ phù hợp sẽ giúp bạn có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp và khẳng định năng lực bản thân. Chúc bạn thành công! Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết, thường xuyên theo dõi Blog.Jobsnew.vn để cập nhật ngay nhiều thông tin hữu ích.