Khoa học sức khỏe là một lĩnh vực vô cùng quan trọng với mỗi quốc gia và luôn có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực. Lĩnh vực này bao gồm nhiều ngành học và nghề nghiệp khác nhau liên quan mật thiết đến việc chăm sóc sức khỏe của con người. Trong bài viết sau đây, Jobsnew sẽ cùng bạn tìm hiểu kỹ hơn về định nghĩa, tiềm năng và các chuyên ngành thuộc lĩnh vực này nhé!
1. Định nghĩa và phạm vi hoạt động trong khoa học sức khỏe
Theo Wikipedia, khoa học sức khỏe (tiếng đầy đủ là khoa học chăm sóc sức khỏe – Healthcare Science) là tập hợp các ngành khoa học ứng dụng những nghiên cứu, kiến thức và phương pháp khoa học có ích cho việc duy trì, cải thiện sức khỏe của con người.
Phạm vi hoạt động của lĩnh vực này rất rộng, bao gồm nhiều khía cạnh như kỹ thuật y học; chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa bệnh; dược học; điều dưỡng và tư vấn về các vấn đề sức khỏe của cá nhân và cộng đồng. Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể làm việc trong các cơ sở y tế, trường học, viện nghiên cứu, cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp tư nhân hay tự kinh doanh.
2. Các chuyên ngành học trong khoa học sức khỏe
Khoa học sức khỏe là một lĩnh vực rộng lớn và đa dạng bao gồm nhiều ngành học khác nhau. Dưới đây là một số ngành học chính được nhiều bạn trẻ quan tâm:
2.1 Chuyên ngành Y học
Đây là một trong những chuyên ngành phổ biến và quan trọng nhất trong lĩnh vực khoa học sức khỏe. Sinh viên học Y học sẽ được đào tạo các kiến thức về cơ thể con người, phương pháp phòng và chữa bệnh, các loại bệnh và cách chăm sóc sức khỏe. Trong chuyên ngành này lại có nhiều khía cạnh riêng như nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa, tâm thần học, da liễu,…
Để trở thành bác sĩ, bạn cần phải học chuyên ngành y khoa từ 6 đến 8 năm, tùy theo chương trình đào tạo và năng lực của bản thân. Sau khi tốt nghiệp, bạn cần phải thực tập và học chuyên khoa để có thể chuyên môn hóa trong một lĩnh vực nào đó.
2.2 Chuyên ngành Dược học
Dược học là ngành học tập trung nghiên cứu về các loại thuốc, cách sử dụng, công dụng và hiểu sâu về cách chúng tác động đến cơ thể con người. Thông thường, ngành học này có thời gian đào tạo trong khoảng từ 4-6 năm tùy theo quy định của từng trường.
2.3 Chuyên ngành Điều dưỡng và hộ sinh
Điều dưỡng và hộ sinh là ngành học nghiên cứu về việc chăm sóc, hỗ trợ tư vấn cho bệnh nhân về các vấn đề sức khỏe. Ngành học này thường có thời gian đào tạo là 5 năm đối với hệ đại học và 3 năm đối với hệ Cao đẳng. Sau khi ra trường, bạn có thể làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế trong nước và ngoài nước.
2.4 Chuyên ngành Y tế công cộng và quản lý Y tế
Đây là chuyên ngành tập trung vào việc nghiên cứu về cách cải thiện sức khỏe cộng đồng và quản lý các dịch vụ y tế. Sinh viên học chuyên ngành này sẽ được đào tạo các kiến thức về cách lập kế hoạch, xây dựng chính sách, quản lý y tế và các vấn đề liên quan đến định hướng, cải thiện hệ thống chăm sóc y tế.
Chuyên ngành y tế công cộng và quản lý y tế thường có thời gian đào tạo trong 4 năm. Sinh viên sau khi ra trường thường sẽ làm việc cho chính quyền, các tổ chức y tế và cơ quan liên quan đến lĩnh vực này.
2.5 Chuyên ngành Kỹ thuật y học
Nếu bạn có niềm đam mê với kỹ thuật máy móc và mong muốn ứng dụng được những kỹ thuật hiện đại vào hệ thống y tế của đất nước thì hãy lựa chọn ngay chuyên ngành Kỹ thuật y học. Nhân sự thuộc ngành này sẽ có nhiệm vụ thiết kế, phát triển và triển khai các kỹ thuật y tế hoạt động hiệu quả cho lĩnh vực y tế. Thời gian đào tạo của chuyên ngành này thường là 4 năm.
2.6 Chuyên ngành Nha khoa
Một chuyên ngành đang được rất nhiều bạn trẻ quan tâm trong những năm gần đây chính là Nha khoa. Khi theo học chuyên ngành này, bạn sẽ được đào tạo các kiến thức chuyên sâu về răng miệng và cách chuẩn đoán, điều trị, chăm sóc và cải thiện các vấn đề liên quan. Thời gian học ngành Nha khoa thường từ 4-6 năm tùy theo quy định của từng trường đại học khoa học sức khỏe.
3. Yêu cầu và kỹ năng cần thiết trong ngành khoa học sức khoẻ
Để thành công trong ngành khoa học sức khỏe, sinh viên cần nắm bắt được các điều kiện và kỹ năng sau đây:
- Kiến thức chuyên ngành: Sinh viên cần phải có kiến thức vững về cơ thể con người nói chung và học chuyên sâu theo chuyên ngành mà bạn đã lựa chọn.
- Đạo đức nghề nghiệp: Lĩnh vực khoa học và sức khỏe yêu cầu nhân sự có đạo đức nghề nghiệp cao, đặc biệt trong việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân.
- Kỹ năng làm việc nhóm: Trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, khả năng làm việc nhóm hay khả năng phối hợp cùng các nhân viên, cán bộ y tế khác là rất quan trọng. Đôi khi, việc thiếu sự đoàn kết hay thấu hiểu của một đội ngũ nhân viên y tế cũng có thể ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe của bệnh nhân.
- Ngoại ngữ: Sinh viên nên chuẩn bị cho mình năng lực ngoại ngữ tốt, nhất là tiếng Anh.
- Kỹ năng giao tiếp: Sinh viên cần phải có khả năng giao tiếp tốt với bệnh nhân, đồng nghiệp và các chuyên gia khác.
- Năng lực quản lý: Trong một số chuyên ngành như Y tế công cộng và quản lý Y tế, kỹ năng quản lý là rất quan trọng.
- Kỹ năng nghiên cứu: Đối với các chuyên ngành như Kỹ thuật y học, sinh viên cần phải có kỹ năng nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới vào lĩnh vực y tế một cách hiệu quả.
4. Tiềm năng và lợi ích của ngành khoa học sức khoẻ
Ở bất cứ thời kỳ nào thì sức khoẻ cũng là điều được nhiều người quan tâm nhất. Vì vậy, các lĩnh vực liên quan đến chăm sóc sức khoẻ luôn có cơ hội phát triển. Sau đây, bạn hãy cùng Jobsnew tìm hiểu kỹ hơn về tiềm năng là lợi ích của ngành khoa học sức khỏe nhé.
4.1 Cơ hội nghề nghiệp và nhu cầu nhân lực
Ngành khoa học sức khỏe là một trong những ngành có nhu cầu nhân lực lớn nhất trên thế giới. Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2030, thế giới sẽ cần thêm 18 triệu nhân viên y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực của ngành nghiên cứu khoa học về sức khỏe cũng đang tăng cao. Tiến sĩ Chu Đình Tới đã nhận định rằng lĩnh vực này luôn có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Vì vậy, bạn có thể yên tâm về nhu cầu tuyển dụng của lĩnh vực này trong tương lai.
4.2 Sự tôn trọng và vị thế xã hội
Nhân sự trong ngành khoa học sức khỏe luôn được xã hội tôn trọng và đánh giá cao. Với những đóng góp cho sức khỏe của từng cá nhân, của cộng đồng, họ luôn đón nhận được nhiều tình cảm từ mọi người. Song song với đó, sự tôn trọng và đánh giá cao của xã hội cũng là nguồn động viên giúp nhiều nhân sự trong ngành duy trì đam mê và sự cống hiến trong công việc.
4.3 Thu nhập và sự ổn định
Ngành khoa học sức khỏe thường có mức thu nhập ổn định hơn so với các ngành nghề khác. Nguyên nhân chính là bởi vì sự khan hiếm về nhân lực chất lượng cũng như tầm quan trọng của công việc.
5. Hướng dẫn chọn ngành và lộ trình học tập
Chọn ngành học là một quyết định quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học về sức khỏe, việc lựa chọn chuyên ngành cần dựa trên các yếu tố chính như sở thích và năng lực của bản thân, nhu cầu thị trường và mục tiêu nghề nghiệp. Sau khi đã cân nhắc những yếu tố trên, bạn có thể bắt đầu tìm hiểu về các ngành học phù hợp.
Sau đó, bạn cần xây dựng cho mình một lộ trình học tập phù hợp với ngành học đã lựa chọn. Bạn có thể tham khảo gợi ý sau:
- Xác định mục tiêu sự nghiệp mà bạn muốn đạt được hoặc muốn hướng tới.
- Xây dựng lộ trình học tập phù hợp bao gồm việc hoàn thành các khóa học cơ bản, thực tập và đạt được các bằng cấp phù hợp. Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc việc tham gia các hoạt động ngoại khóa, hội thảo và tìm kiếm cơ hội thực tập để nâng cao trải nghiệm thực tế.
- Không ngừng phát triển kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết.
- Tận dụng các cơ hội để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp trong ngành khoa học sức khỏe.
6. Tìm hiểu về môi trường làm việc và cơ hội việc làm
Vậy môi trường làm việc và cơ hội việc làm trong tương lai của lĩnh vực khoa học sức khỏe là gì? Hãy cùng Jobsnew tìm hiểu kỹ hơn về điều này qua nội dung sau nhé!
6.1 Cơ hội việc làm và triển vọng sau khi tốt nghiệp
Như đã đề cập ở trên, nhu cầu về nhân sự của ngành sức khỏe là rất lớn và không ngừng tăng trong tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên theo học trong lĩnh vực này có thể tiếp cận với nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bạn có thể làm việc trong các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám, trung tâm nghiên cứu, cơ sở giáo dục về y khoa,… Ngoài ra, bạn cũng có thể tự mở phòng khám tư nhân nếu như đã có trình độ cao và nhiều kinh nghiệm.
6.2 Môi trường làm việc và thách thức trong ngành
Môi trường làm việc trong ngành khoa học sức khỏe thường khá bận rộn và căng thẳng. Bạn có thể sẽ cần làm việc thường xuyên và đối mặt với nhiều áp lực. Một số thách thức khác trong ngành này là:
- Sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ y tế đòi hỏi nhân sự phải thường xuyên cập nhật kiến thức và kỹ năng mới.
- Lĩnh vực khoa học sức khỏe đòi hỏi sự chính xác và cẩn thận cao.
- Quá trình điều trị cho bệnh nhân cần có sự đồng cảm và kiên nhẫn cao độ.
- Thời gian làm việc không linh hoạt, tăng ca thường xuyên dẫn đến việc khó cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
7. Lời khuyên và định hướng cho sinh viên mới bắt đầu
Ngành khoa học sức khỏe là một ngành học có tiềm năng và lợi ích lớn, nhưng cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực và cống hiến. Dưới đây là một số lời khuyên và định hướng dành cho các bạn đang muốn thi vào các chuyên ngành thuộc lĩnh vực này và những bạn sinh viên năm nhất:
- Tìm hiểu kỹ về ngành học và môi trường làm việc trước khi quyết định theo học.
- Nỗ lực học tập và rèn luyện các kỹ năng cần thiết
- Xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp và lập kế hoạch thực hiện.
- Trân trọng và tận dụng các thực tập, trải nghiệm thực tế.
- Đề cao đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là cần rèn luyện sự kiên trì, cần biết thấu hiểu và đồng cảm với bệnh nhân.
Như vậy, tôi đã cùng bạn tìm hiểu chi tiết về định nghĩa, yêu cầu, kỹ năng cần thiết và cơ hội nghề nghiệp của ngành khoa học sức khỏe. Hy vọng qua những chia sẻ trên, bạn đã có sự thấu hiểu hơn về ngành này. Chúc bạn sớm lựa chọn được chuyên ngành phù hợp và gặt hái được nhiều thành công trong tương lai.
Thông tin liên hệ:
- Website: Jobsnew.vn
- Blog: Blog.Jobsnew.vn
- Hotline: 0937 867 212
- Email: contact@jobsnew.vn