Tâm lý học tội phạm là một môn học được các cơ sở giáo dục lựa chọn trong chương trình giảng dạy. Việc nắm bắt ý đồ, cách thức, hành vi thực hiện của mỗi tội phạm sẽ tìm ra phương pháp để đấu tranh, khai thác thông tin cũng như cảm hóa và giáo dục người phạm tội. Vậy tâm lý học tội phạm là gì? Nó có cấu trúc được quy định như thế nào? Hãy cùng Jobsnew tìm hiểu trong bài viết này nhé.
1. Tâm lý học tội phạm là gì?
1.1. Khái niệm tâm lý học tội phạm
Tâm lý tội phạm hay tâm lý học tội phạm là hoạt động nghiên cứu suy nghĩ, quan điểm, ý định, hành vi, phản ứng của tội phạm hoặc nghi phạm. Mỗi tội phạm sẽ có trạng thái tâm lý và cách thức hành động khác nhau. Do đó, việc điều tra, phân tích này sẽ giúp ích rất lớn trong công tác phòng chống tội phạm của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Thấy được tầm quan trọng của việc nắm bắt tâm lý của tội phạm trong quá trình khai thác thông tin và cảm hóa giáo dục đối tượng, ngành tâm lý học tội phạm đã ra đời. Đây là một chuyên ngành ứng dụng tâm lý vào các mối quan hệ khác nhau của con người để tìm ra nguyên nhân của hành động.
1.2. Phân tích cấu trúc cơ bản của tâm lý tội phạm
Để hiểu rõ hơn về tâm lý học phạm tội, chúng ta cùng tìm hiểu cấu trúc cơ bản của nó. Trên thực tế, tâm lý tội phạm bao gồm 4 thành phần chính: Nhu cầu, động cơ phạm tội, mục đích phạm tội và lựa chọn thực hiện hành vi phạm tội.
Nhu cầu
Nhu cầu được hiểu là cảm giác thiếu hụt một điều gì đó của một người đối với môi trường xung quanh. Nó khiến cho con người cảm thấy chưa thỏa mãn, cần tìm cách để bù đắp vào sự thiếu thốn đó. Chính vì vậy, nó được xem là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi của con người. Có thể thấy, mọi hành động của chúng ta đều bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi nhu cầu.
Động cơ phạm tội
Động cơ phạm tội là một thành phần trong tâm lý học tội phạm. Nó bao gồm các yếu tố tâm lý bên trong con người như tình cảm, cảm xúc, mong muốn, nguyện vọng,…Cơ sở của động cơ chính là nhu cầu. Tuy nhiên, không phải nhu cầu nào cũng trở thành động cơ phạm tội. Ngoài ra, động cơ và hành vi thúc đẩy có thể không có cùng tính chất. Đôi khi, một động cơ tốt cũng dẫn đến hành vi phạm tội.
Mục đích phạm tội
Mục đích phạm tội chính là kết quả mà tội phạm mong muốn đạt được thông qua hành vi của mình. Hiểu đơn giản, nó được hình thành trong đầu óc của người phạm tội, trước khi thực hiện hành động. Mục đích được xác định trên cơ sở của động cơ. Động cơ thúc đẩy hành vi, còn mục đích lại định hướng và điều khiển hành vi đó. Do đó, động cơ và mục đích không phải là 2 hiện tượng tâm lý khác biệt.
Quyết định thực hiện hành vi phạm tội
Quyết định thực hiện hành vi phạm tội là lựa chọn cuối cùng của tội phạm sau khi xuất hiện động cơ, mục đích và kế hoạch phạm tội. Nó thể hiện thái độ của người phạm tội với đối với hành vi và hậu quả mình sắp gây ra. Quyết định này có thể xuất hiện ngay khi gặp tác động trực tiếp của một tình huống nào đó. Hoặc cũng có thể xuất phát từ các hành động trong quá khứ.
2. Đối tượng và nhiệm vụ của ngành tâm lý học tội phạm
2.1. Đối tượng nghiên cứu của ngành tâm lý tội phạm
Tâm lý học tội phạm là khoa học nghiên cứu các hiện tượng tâm lý nảy sinh trong quá trình phạm tội nhằm phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm. Nó có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn xã hội. Đối tượng nghiên cứu của ngành tâm lý học tội phạm bao gồm:
- Đặc điểm, hiện tượng, khía cạnh phát sinh trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội
- Các đặc trưng tâm lý của tội phạm
- Các yếu tố tác động làm suy thoái nhân cách
- Đặc điểm tâm lý tội phạm theo nhóm
- Các nguyên nhân tâm lý của tội phạm
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu của tâm lý học tội phạm
Nhiệm vụ nghiên cứu của tâm lý tội phạm bao gồm:
- Làm rõ quy luật hình thành và quá trình phát triển các yếu tố tâm lý tiêu cực dẫn đến hành vi phạm tội
- Nâng cao hiểu biết, giáo dục con người có ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tinh thần cảnh giác, cũng như tích cực tham gia công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng chống tội phạm xã hội
- Thâm nhập vào đời sống xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân
- Nghiên cứu cơ sở tâm lý của các biện pháp phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm
- Hoàn thiện hệ thống lý luận về tâm lý học
3. Vai trò và cơ hội của ngành tâm lý học tội phạm
3.1. Vai trò và ứng dụng của ngành tâm lý học tội phạm
Tâm lý tội phạm có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm ở Việt Nam. Nó làm rõ nguyên nhân, điều kiện, tâm lý, hành vi phạm tội, giúp các cơ quan có thẩm quyền đưa ra những biện pháp đúng đắn và có hiệu quả trong phòng ngừa tội phạm.
- Phân tích tâm lý tội phạm: Nó được xem là một nhánh nhỏ trong ngành tâm lý tội phạm. Nhiệm vụ chính là thống kê, phân tích, đưa ra đặc điểm, yếu tổ ảnh hưởng đến hành vi của người phạm tội. Từ đó, xác định nguyên nhân gây án và báo cáo, tố giác hành vi.
- Phỏng vấn và nghiên cứu tâm lý nhân chứng: Nhà tâm lý học dựa vào những dữ liệu trong quá trình điều tra để phân tích lời khai của tội phạm.
- Thiết lập hồ sơ và điều tra tội phạm: Dựa vào những dữ liệu thu thập từ vụ án, nhà tâm lý sẽ tiến hành thiết lập hồ sơ của phạm nhân. Từ đây, họ có thể xác định được các thông tin về tội phạm và đưa ra kết luận cho cơ quan điều tra hay tòa án xem xét các yếu tố giảm nhẹ.
- Ứng dụng vào quá trình đánh giá và điều trị tâm lý tội phạm: Thông qua quá trình phân tích, nhà tâm lý học sẽ xác định được các yếu tố bất thường trong suy nghĩ , tâm lý của tội phạm. Từ đó đưa ra phương hướng điều trị phù hợp với chuẩn mực đạo đức của con người.
- Nghiên cứu về tâm lý hành vi phạm tội: Nhà tâm lý nắm bắt được nguyên nhân, động cơ và đưa ra biện pháp nhằm giảm thiểu tội phạm.
3.2. Cơ hội học tâm lý học tội phạm tại Việt Nam
Ngành tâm lý học tội phạm thi khối gì? Tâm lý học tội phạm học trường nào? Cơ hội nào dành cho người học tâm lý? Chắc hẳn đây là những câu hỏi, thắc mắc của nhiều người khi tìm hiểu về tâm lý tội phạm. Hiện nay, ngành tâm lý tội phạm chưa thực sự được quan tâm, chú trọng ở nước ta. Do vậy, chưa có trường học hay cơ sở giáo dục nào đào tạo riêng ngành này mà chỉ coi nó như một môn học hoặc chuyên ngành nhỏ thuộc ngành tâm lý học.
Trên thực tế, các bạn học sinh khối C01, D01, A01, C03, D03, B00,…có thể tiếp cận với chuyên ngành này bằng cách đăng ký học tại các trường đào tạo về Luật, An ninh, Cảnh sát. Dưới đây là một số trường đào tạo chuyên sâu về tâm lý học tội phạm nổi tiếng:
- Trường đại học Luật Hà Nội
- Trường đại học Cảnh sát Nhân dân
- Trường đại học An ninh Nhân dân
- Học viện An ninh Nhân dân
- Đại học sư phạm Hà Nội
- Đại học sư phạm HCM
4. Các nhà tâm lý học tội phạm nổi tiếng
Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều nhà tâm lý học tội phạm nổi tiếng, có thể kể đến như:
- Thomas Bond: Ông là người đầu tiên thiết lập hồ sơ phạm tội từ quá trình điều tra phạm nhân.
- John Douglas: Là thành viên của FBI, tham gia nhiều vụ án nổi tiếng.
- Hugo Munsterberg: Người tiên phong trong lĩnh vực tâm lý tội phạm.
- Saul Kassin: Là người nghiên cứu về lời thú tội giả nhằm xác định tính hợp lệ trong quá trình phỏng vấn, thú tội.
Kết luận
Bài viết đã giới thiệu cho độc giả những thông tin cơ bản về tâm lý học tội phạm như khái niệm, cấu trúc, vai trò, đối tượng, nhiệm vụ nghiên cứu. Đồng thời, bài viết cũng chỉ ra cơ hội theo học ngành này ở Việt Nam. Qua đó, có thể thấy, ngành tâm lý học tội phạm góp phần không nhỏ trong quá điều tra, cũng như phòng chống tội phạm.
Jobsnew hy vọng, với những chia sẻ trên có thể giúp bạn hiểu hơn về ngành này và đưa ra lựa chọn ngành học phù hợp. Và nếu bạn muốn biết thêm nhiều thông tin hữu ích thì đừng quên theo dõi Jobsnew Blog nhé.