5/5 - (1 bình chọn)

Quản trị mạng máy tính đang trở thành một trong những sự lựa chọn tuyệt vời cho những cá nhân có đam mê về máy tính và công nghệ. Với sự phát triển của Internet, đây sẽ là ngành học tiềm năng và đầy hứa hẹn cho nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp. Qua bài viết dưới đây, Jobsnew sẽ giới thiệu đến bạn thông tin cụ thể về ngành Quản trị mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu nhé!


1. Giới thiệu tổng quát về ngành quản trị mạng máy tính và truyền thông dữ liệu

Ngành quản trị mạng máy tính và truyền thông dữ liệu còn được biết đến với tên gọi tiếng Anh là Computer Networks and Data Communication. Ngành học này tập trung vào việc thiết kế, vận hành, quản trị máy tính để hệ thống hoạt động ổn định, liên tục và có tính hiệu quả. Bên cạnh đó, người học cũng sẽ được thực hành giám sát, điều phối các hoạt động liên quan đến máy tính và dữ liệu.

Cụ thể hơn, quản trị mạng máy tính và truyền thông dữ liệu hướng đến việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống mạng từ nội bộ cho đến toàn cầu. Đồng thời, ngành học này cũng tập trung vào việc tiếp cận và trao đổi dữ liệu, tài nguyên bên trong doanh nghiệp. Từ đó, bạn có thể ứng dụng các kiến thức đã học để làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, kinh doanh hàng hóa, y tế, truyền thông tiếp thị, sản xuất,… 

quản trị mạng máy tính
Ngành học này tập trung vào việc thiết kế, vận hành, quản trị máy tính

2. Chương trình đào tạo trong ngành quản trị mạng máy tính và truyền thông dữ liệu

Hiện nay, số lượng thí sinh có nguyện vọng học truyền thông dữ liệu và quản trị mạng máy tính ngày một cao. Để giúp bạn hiểu hơn về ngành học này, Jobsnew sẽ giới thiệu đến bạn các môn học cơ bản và cách đào tạo của ngành nhé.

2.1. Các môn học cơ bản và chuyên sâu 

Với sự phát triển vượt bậc của nền công nghệ máy tính, nhiều sinh viên đã lựa chọn ngành học này để có cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Tại các trường đại học, chương trình đào tạo ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu sẽ cung cấp cả kiến thức cơ bản và chuyên sâu cho người học. Các môn học cơ bản mà sinh viên được giảng dạy là:

  • Pháp luật
  • Chính trị
  • Giáo dục thể chất
  • Giáo dục quốc phòng an ninh
  • Tin học
  • Tiếng Anh căn bản

Bên cạnh đó, sinh viên cũng được đào tạo nền tảng kiến thức chuyên về công nghệ thông tin và truyền thông dữ liệu như:

  • Xử lý tín hiệu số
  • Điện tử tương tự
  • Thực tập điện tử tương tự
  • Điện tử số
  • Truyền thông
  • Mạng không dây
  • An toàn và an ninh mạng
  • Cấu hình mạng
  • Phân tích thiết kế hệ thống thông tin
  • Các vấn đề hiện đại của Truyền thông và Mạng máy tính
  • Truyền dữ liệu
  • Phân tích lưu lượng mạng
  • Xử lý văn bản trên Web
quản trị mạng máy tính
Sinh viên cũng được đào tạo nền tảng kiến thức chuyên về công nghệ thông tin

2.2. Cách tiếp cận đào tạo độc đáo và hiện đại 

Hiện nay, xu hướng ứng dụng mạng máy tính và truyền thông dữ liệu trong các doanh nghiệp ngày một tăng cao. Phần lớn, các công ty trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, y tế, vận tải,… đều sử dụng mạng lưới máy tính, công nghệ để vận hành và quản trị hệ thống. Chính vì thế, ngành học này cũng liên tục được đổi mới và áp dụng cách đào tạo độc đáo để sinh viên thích nghi với môi trường lao động.

Trong những năm gần đây, tại các trường đại học chuyên về ngành quản trị mạng máy tính, sinh viên sẽ được tiếp cận với phương thức học tập mới. Liên kết với các doanh nghiệp về công nghệ thông tin để người học có cơ hội thực tập và cọ sát kinh nghiệm. Đồng thời, bên cạnh những kiến thức ngành cơ bản, bạn cũng được rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết để tăng cơ hội cạnh tranh khi gia nhập thị trường lao động. 

ngành quản trị mạng máy tính
Sinh viên được đào tạo theo phương thức đổi mới và độc đáo

3. Cơ hội nghề nghiệp và phát triển sự nghiệp trong ngành quản trị mạng máy tính và truyền thông dữ liệu

Ngành học quản trị mạng máy tính và truyền thông dữ liệu hứa hẹn đem đến cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho nhiều sinh viên. Cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé. 

3.1. Phạm vi việc làm và các vị trí nghề nghiệp 

Trước sự phát triển vượt bậc của mạng máy tính, ngành học này đã được áp dụng ở nhiều lĩnh vực và hoạt động trong doanh nghiệp. Chính vì thế, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở nhiều đơn vị trong và ngoài nước với mức lương vô cùng hấp dẫn. 

Đặc biệt, cơ hội trở thành chuyên viên, kỹ sư về mạng máy tính tại các tập đoàn đa quốc gia là rất cao. Một số vị trí nghề nghiệp của ngành quản trị mạng máy tính và truyền thông dữ liệu là:

  • Kỹ sư quản trị hệ thống mạng tại ngân hàng, các trung tâm dữ liệu và các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP)
  • Kỹ sư thiết kế mạng, chuyên xây dựng hệ thống mạng máy tính an toàn cho các đơn vị có nhu cầu.  
  • Kỹ sư thiết kế phần mềm mạng, kỹ sư vận hành ứng dụng mạng trên di động, kỹ sư mạng không dây, kỹ sư phân tích mạng cho các công ty chuyên về phần mềm và viễn thông như FPT, Viettel, VNPT, Vinaphone,…
  • Kỹ sư xây dựng và phát triển các ứng dụng truyền thông tại VOIP hoặc hội nghị truyền hình
  • Chuyên gia phân tích, triển khai và vận hành hệ thống mạng tại các tập đoàn đa quốc gia.
  • Chuyên viên xây dựng các phương án về quản trị cho hệ thống điện toán đám mây.
  • Chuyên viên thiết kế và triển khai chính sách quản trị hệ thống mạng.
  • Tư vấn viên về giải pháp và phương thức hoạch định chính sách quản trị hệ thống mạng cho các doanh nghiệp.
quản trị mạng máy tính
Bạn có thể làm kỹ sư thiết kế mạng, chuyên xây dựng hệ thống mạng máy tính

3.2. Triển vọng sự nghiệp và mức lương dự kiến

Có thể thấy, sự tiến bộ trong công nghệ đã dẫn đến sức hút ngày một tăng cao của ngành quản trị mạng máy tính và truyền thông dữ liệu. Ngành học này chính thức “lên ngôi” và trở thành niềm đam mê của nhiều thí sinh trên cả nước. Đặc biệt, quản trị mạng sẽ không bao giờ lỗi thời vì truyền thông và mạng máy tính đã đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống quản trị của nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn ghi nhận sự thiếu hụt từ 150.000 đến 195.000 nhân lực chuyên ngành công nghệ thông tin hằng năm (Theo Báo cáo của Chính Phủ). Lý do là vì lĩnh vực này đòi hỏi kiến thức nền tảng vững chắc và sự linh hoạt trong quá trình làm việc. Con số trên cũng là minh chứng cho nhu cầu tuyển dụng không ngừng của các doanh nghiệp trên thị trường.

Do đó, khi học quản trị mạng và truyền thông dữ liệu, bạn có thể nắm bắt được ”cơ hội vàng” để trở thành một chuyên viên, kỹ sư chuyên nghiệp tại các tập đoàn lớn. Theo các báo cáo về Thống kê Lao động, một chuyên viên quản trị mạng sẽ có mức lương khởi điểm từ 15 triệu/mỗi tháng. Con số này sẽ tăng lên đến 30 triệu/mỗi tháng nếu bạn có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng quản lý hệ thống, dữ liệu tốt. 

quản trị mạng máy tính
Một chuyên viên quản trị mạng sẽ có mức lương khởi điểm từ 15 triệu/mỗi tháng

4. Yêu cầu và kỹ năng cần thiết để thành công trong ngành quản trị mạng máy tính và truyền thông dữ liệu

Quản trị mạng máy tính cơ bản yêu cầu những kỹ năng gì là câu hỏi được nhiều thí sinh quan tâm. Ngay sau đây, Jobsnew sẽ bật mí cho bạn những yếu tố cần thiết để theo học ngành này nhé.

4.1. Kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm 

Sở dĩ quản trị mạng máy tính và truyền thông dữ liệu có mức lương hấp dẫn là vì vị trí này có yêu cầu cao về năng lực. Để trở thành một kỹ sư, chuyên viên hàng đầu, bạn cần phải có những kỹ năng kỹ thuật sau: 

  • Quản trị hệ thống
  • Linux
  • Microsoft Active Directory
  • VMware
  • Hỗ trợ kỹ thuật
  • Máy chủ Windows
  • Cisco
  • Cài đặt phần cứng và phần mềm
  • SQL
  • Dịch vụ khách hàng 

Ngoài những kiến thức nền tảng, kỹ sư quản trị hệ thống máy tính và dữ liệu cần trang bị thêm kỹ năng mềm. Đây sẽ là những yếu tố giúp bạn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và mang đến hiệu quả cao trong quá trình làm việc. Các kỹ năng mềm một chuyên viên quản trị mạng máy tính cần có là:

  • Phân tích và tư duy phản biện: Bạn cần có khả năng khám phá và giải quyết các vấn đề xoay quanh mạng máy tính, dữ liệu một cách nhất quán và logic. Hiểu đơn giản, bạn cần hệ thống các hoạt động lại với nhau và xác định lỗi trong dây chuyền quản lý ngay khi hệ thống có vấn đề. 
  • Quản lý thời gian: Các chuyên gia về công nghệ luôn phải thực hiện nhiều dự án song song với nhau. Do đó, bạn phải có tư duy quản lý thời gian tốt để có thể cân bằng được công việc.
  • Kỹ năng giao tiếp: Là một quản trị viên mạng máy tính, bạn sẽ phải làm việc với nhiều kỹ sư, nhân viên thuộc bộ phận khác. Chính vì thế, bạn cần trau dồi kỹ năng giao tiếp để trao đổi thông tin với nhiều nhóm người khác nhau. 
  • Tò mò và yêu thích học hỏi: Lĩnh vực công nghệ thông tin đòi hỏi sự cập nhật và đổi mới liên tục. Do đó, bạn phải có niềm đam mê, tò mò và không ngừng học hỏi những kiến thức mới để bắt kịp xu hướng công nghệ hiện đại. 
ngành quản trị mạng máy tính
Bạn cần có khả năng khám phá và giải quyết các vấn đề

4.2. Sự quan trọng của việc học tập và phát triển liên tục 

Đối với bất kỳ ngành học nào, việc học tập và không ngừng trau dồi kiến thức sẽ giúp bạn nắm bắt được nhiều cơ hội trong tương lai. Đặc biệt, với sự phát triển không ngừng của công nghệ, việc tích cực phát triển kỹ năng cứng và kỹ năng mềm khi học ngành quản trị mạng máy tính và truyền thông dữ liệu là điều không thể thiếu.

Phần lớn, các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều chuyển sang mô hình trực tuyến. Do đó, nếu bạn liên tục nâng cao trình độ, bạn sẽ không bị lạc hậu và sẵn sàng đương đầu nếu thị trường lao động đột ngột đào thải. Bên cạnh đó, khi có kiến thức sâu về lĩnh vực, cơ hội thăng tiến lên các vị trí chuyên viên, quản lý,… của bạn sẽ ngày một cao hơn, mức lương cũng hứa hẹn là một con số đầy hấp dẫn.

5. Các trường đại học và học viện đào tạo ngành quản trị mạng máy tính và truyền thông dữ liệu uy tín

Sau khi nắm được quản trị mạng máy tính là gì, nhiều bạn thí sinh vẫn còn băn khoăn không biết ngành quản trị mạng máy tính học trường nào thì sẽ được đào tạo chuyên sâu và uy tín. Hãy để Jobsnew giới thiệu đến bạn danh sách các cơ sở đào tạo nổi tiếng nhé.

5.1. Danh sách và đánh giá các cơ sở đào tạo 

Ngành quản trị mạng máy tính và truyền thông dữ liệu hiện đang được ứng dụng vào giảng dạy tại nhiều trường đại học lớn. Trong đó, các đơn vị có số lượng thí sinh ứng tuyển cao là:

  • Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: Thành lập năm từ 1957, Đại học Bách Khoa đã có hơn 60 năm giảng dạy và là trường trọng điểm của hệ thống đại học quốc gia. Khi theo học, sinh viên sẽ được đào tạo về khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, xử lý dữ liệu. Đại học Bách Khoa được đánh giá là một trong những ngôi trường giảng dạy về công nghệ thông tin hàng đầu tại miền Nam.
  • Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh: Trường Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia TPHCM là trường chuyên đào tạo về công nghệ thông tin, kỹ thuật phần mềm, khoa học máy tính. Tại đây, sinh viên sẽ được trải nghiệm chương trình đào tạo hàng đầu do trường hợp tác với các tập đoàn về công nghệ. Bên cạnh đó, trường cũng giảng dạy bằng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế để sinh vên có cơ hội làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia lớn.
  • Cao đẳng – Đại học Công nghệ Thông tin (FPT): Đại học FPT nổi tiếng với chương trình đào tạo chuyên sâu và sát với thực tiễn. Khi đăng ký học, sinh viên sẽ được giảng dạy về hệ thống thông tin, kỹ thuật phần mềm, an toàn thông tin và dữ liệu,… Vào năm 2018, trường đã vinh dự nhận được giải thưởng “Trường Đại học đào tạo công nghệ thông tin xuất sắc nhất Châu Á”của ASOCIO Award.
  • Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được biết đến là tổ chức trực thuộc bộ Thông tin và Truyền thông. Tại đây, bạn sẽ được đào tạo về khoa học máy tính, công nghệ thông tin, an toàn thông tin,… Bên cạnh đó, trường cũng hợp tác với nhiều doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên cọ sát với môi trường thực tế. 
quản trị mạng máy tính
Sinh viên sẽ được trải nghiệm chương trình đào tạo hàng đầu

5.2. Quy trình tuyển sinh và tiêu chí lựa chọn

Để ứng tuyển ngành quản trị mạng máy tính và truyền thông dữ liệu tại các trường đại học, thí sinh có thể lựa chọn nhiều tổ hợp. Trong đó, các khối thi mà phần lớn các đơn vị đào tạo sẽ xét tuyển là:

  • A00: Toán – Vật lý – Hóa học
  • A01: Toán – Vật lý – Tiếng Anh
  • D01: Toán – Ngữ văn – Tiếng Anh
  • D07: Toán – Hóa – Tiếng Anh
  • C02: Ngữ văn – Toán – Hóa
  • C01: Ngữ văn – Toán – Vật lý

Đồng thời, để tạo điều kiện cho sinh viên, nhiều trường đại học sẽ áp dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Cụ thể là:

  • Phương thức 1: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia
  • Phương thức 2: Xét tuyển kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐHQG Hà Nội
  • Phương thức 3: Xét tuyển học bạ dựa trên tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12
  • Phương thức 4: Xét tuyển học bạ dựa trên điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và HK1 lớp 12)

Đối với phương thức xét tuyển điểm thi Trung học Phổ thông Quốc gia, ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu có tỉ lệ cạnh tranh khá cao. Chính vì thế, thí sinh cần đạt điểm chuẩn từ 20-30 tùy vào từng đơn vị tuyển sinh. 

quản trị mạng máy tính
Ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu có tỉ lệ cạnh tranh khá cao

6. Hướng dẫn và lời khuyên cho sinh viên mới ngành quản trị mạng máy tính và truyền thông dữ liệu

Với các bạn sinh viên mới vào học ngành quản trị mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu, việc tiếp cận với kiến thức ngành và môi trường học sẽ có những khó khăn nhất định. Hãy tham khảo một số lời khuyên hữu ích sau đây nhé.

6.1. Lời khuyên hữu ích cho người mới bắt đầu 

Nếu là một sinh viên mới của ngành, bạn hãy tiếp cận và ghi nhớ những kiến thức cơ bản thật vững vì trong tương lai, bạn sẽ cần sử dụng những kiến thức ấy. Việc hiểu rõ về hệ điều hành, các khái niệm cơ bản của cấu trúc máy tính, dữ liệu sẽ giúp bạn có nền tảng kiến thức để xử lý những nhiệm vụ cơ bản nhất của công việc.

Đồng thời, sinh viên của ngành quản trị mạng máy tính không thể thiếu một chiếc laptop/máy tính đi kèm. Không như những ngành khác, lĩnh vực này đòi hỏi laptop của bạn phải có cấu hình mạnh và hiệu năng tốt để đáp ứng các yêu cầu học tập. Cụ thể, sinh viên nên lựa chọn laptop có màn hình từ 14-15 inch và bộ xử lý hiện đại (thuộc thế hệ 7 hoặc 8). 

ngành quản trị mạng máy tính
Việc tiếp cận và ghi nhớ những kiến thức cơ bản là rất quan trọng

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý về ổ cứng và bộ nhớ RAM (từ 8GB trở lên) để tránh bị thiếu dung lượng trong quá trình học. Một số bạn đầu tư laptop chỉ có 4GB RAM nên thường không chạy được các chương trình giả lập và gây khó khăn trong việc xử lý đồ họa, phần mềm. 

6.2. Chia sẻ kinh nghiệm từ cựu sinh viên và chuyên gi

Anh Nguyễn Thanh Tùng – Cử nhân tốt nghiệp loại Giỏi ngành Kỹ thuật máy tính của trường Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ: “Khi học ngành quản trị mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu, tôi nhận ra rằng việc học phải đi đôi với hành. Tôi đã từng dành nhiều thời gian học tài liệu online, đọc sách tại thư viện. Thế nhưng, khi áp dụng kiến thức vào thực tế tại doanh nghiệp, mọi thứ dường như hoàn toàn khác biệt. Do đó, một lời khuyên hữu ích từ chính bản thân tôi là bạn hãy tìm mọi cách để đan xen yếu tố thực hành vào chương trình học.

Ví dụ, khi gặp một sự cố về mạng máy tính trong quá trình học, bạn đừng vội nản lòng mà hãy tìm trên Google hoặc hỏi thầy cô để tìm hướng giải quyết. Càng giải quyết nhiều vấn đề, bạn sẽ càng nâng cao trình độ của bản thân. Đây là những kiến thức mà sẽ khó có giảng viên nào giảng dạy trực tiếp trên lớp. 

Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy thế giới mạng đang không ngừng phát triển và biến đổi. Chính vì thế, bạn hãy liên tục trau dồi và cập nhật kiến thức để không bị lạc hậu. Phần lớn, tôi sẽ dành ra từ 2 đến 3h mỗi tuần để nghiên cứu, đọc các bài báo về những công nghệ mới.

Một phương pháp hữu ích khác mà bạn có thể sử dụng để nâng cao trình độ là kết nối với cộng đồng “quản trị mạng”. Bạn chỉ cần tham gia các diễn đàn, hội thảo và nghiền ngẫm những chia sẻ của người đi trước trên mạng xã hội. Từ đó, bạn sẽ có thể tìm kiếm được nhiều giải pháp thông minh cho quá trình làm việc của mình.”

quản trị mạng máy tính
Bạn hãy đan xen yếu tố thực hành vào chương trình học

Kết luận

Nhìn chung, ngành quản trị mạng máy tính và truyền thông dữ liệu là một ngành học đòi hỏi kiến thức rộng lớn, sự kiên nhẫn và tư duy logic. Và theo Jobsnew thấy, trong quá trình học bạn sẽ gặp nhiều khó khăn vì đặc thù về độ khó của ngành. Thế nhưng, nếu bạn luôn cố gắng trau dồi bản thân và rèn luyện các kỹ năng cần thiết, bạn sẽ có cơ hội làm việc tại nhiều tập đoàn lớn với mức lương vô cùng hấp dẫn.

Trên đây là toàn bộ thông tin về ngành quản trị mạng máy tính và truyền thông dữ liệu mà Jobsnew đã chia sẻ cho bạn. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ngành quản trị mạng máy tính, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn cho ngành nghề tương lai của mình. Theo dõi ngay Jobsnew Blog để đọc thêm những bài viết hấp dẫn và hữu ích tương tự bạn nhé!