Nếu học tốt ngoại ngữ, ngành nghề phiên dịch viên sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho bạn. Ở vai trò này, bạn sẽ được trải nghiệm ở môi trường chuyên nghiệp và có cơ hội tìm hiểu nhiều ngành nghề, đến nhiều địa phương. Vậy muốn làm phiên dịch viên cần học ngành gì, công việc phiên dịch viên cụ thể thế nào? Mời bạn theo dõi bài viết bên dưới.
Nghề phiên dịch viên là gì?
Phiên dịch viên được sử dụng tại nhiều sự kiện
Phiên dịch viên là những người có nhiệm vụ dịch lời nói, truyền tải thông điệp từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác trong thời gian thực. Người phiên dịch được sử dụng ở nhiều trường hợp mà các nhân vật có mặt ở không gian đó cần giao tiếp với nhau nhưng không cùng ngôn ngữ.
Phiên dịch viên xuất hiện nhiều tại các cuộc hội họp kinh doanh, hội nghị quốc tế hoặc sự kiện âm nhạc lớn. Có hai dạng phiên dịch chính:
- Phiên dịch đồng thời/ song song: người phiên dịch làm nhiệm vụ cùng lúc với người đang nói.
- Phiên dịch nối tiếp: người phiên dịch sẽ thực hiện công việc sau khi người nói hoàn thành phát biểu.
Ngoài hai dạng phiên dịch trên, còn có hình thức phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu. Phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu có trách nhiệm chuyển ký hiệu lời nói, tạo điều kiện giao tiếp giữa người khiếm thính và các đối tượng khác trong cuộc hội thoại. Tuy nhiên nghề này vẫn chưa được biết đến rộng rãi và hiếm người theo.
Làm nghề phiên dịch cần sở hữu kỹ năng ngôn ngữ xuất sắc để có cách truyền đạt nhanh chóng, chính xác. Bên cạnh đó, họ phải chịu được áp lực và xử lý căng thẳng trước những tình huống bất ngờ hoặc nguy hiểm xảy đến.
Những môi trường làm việc của phiên dịch viên
Cơ hội việc làm của phiên dịch viên rất lớn
Cơ quan Chính phủ
Bạn có thể làm việc tại các hội nghị lớn hay những cuộc họp trang trọng nhằm truyền tải thông điệp, quan điểm của những người tham dự mà họ không đồng nhất ngôn ngữ. Những hội nghị nói trên thường gắn liền với các địa điểm chính trị nổi bật của quốc gia.
Các tập đoàn đa quốc gia
Tập đoàn đa quốc gia sẽ có hoạt động kinh doanh ở 2 hoặc nhiều nước nên ngôn ngữ sử dụng sẽ không có giới hạn. Vì vậy rất cần phiên dịch viên xuất hiện tại các buổi ra mắt sản phẩm, ký kết hợp đồng, sự kiện triển lãm hoặc hội họp, hội thảo tại một công ty, tập đoàn,…
Các công ty, trung tâm dịch thuật
Nhận thấy nhu cầu xã hội, nhiều công ty bắt đầu phát triển công việc phiên dịch ở nhiều thứ tiếng khác nhau. Bên cạnh những ngôn ngữ quen thuộc, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp tại các trung tâm dịch thuật cung cấp dịch vụ liên quan đến các thứ tiếng Ả Rập, Nga, Bồ Đào Nha,… Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của phiên dịch viên đối với cuộc sống.
Tòa soạn, đài phát thanh, đài truyền hình
Những phiên dịch viên yêu thích viết lách có thể thử sức tại các cơ quan báo đài để thực hiện nhiều chuyên mục liên quan đến: câu chuyện phỏng vấn, tạp chí nước ngoài,… Bạn sẽ chịu trách nhiệm biên tập, hiệu đính hoặc dịch thuật thông tin qua ngôn ngữ được yêu cầu.
Làm dịch giả tự do
Chúng ta có thể làm dịch giả tự do mà không cần phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Để tìm kiếm được khách hàng, bạn nên thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp khác nhau, chủ động sắp xếp thời gian, lịch trình cá nhân để nhận “jobs” phù hợp.
Những kỹ năng cần thiết để làm phiên dịch viên
Phiên dịch viên cần chăm chỉ học tập và rèn luyện kỹ năng
Trở thành phiên dịch viên là bạn phải chấp nhận thử thách. Để làm tốt, bạn cần học tập và rèn luyện những kỹ năng sau:
Phát triển kỹ năng ngôn ngữ
Muốn phiên dịch, bạn phải thông thạo ít nhất 2 ngôn ngữ. Chúng ta sẽ rèn luyện và cải thiện bằng cách tham gia các khóa đào tạo ngoại ngữ, đọc sách, xem phim và hòa mình vào văn hóa của một đất nước nào đó.
Hiện nay, phiên dịch viên tiếng Anh rất phổ biến vì nó là ngôn ngữ chung của quốc tế. Tuy nhiên đối với sự phát triển của xã hội số lượng người biết tiếng Anh ngày càng nhiều, vì vậy bạn cần trau dồi thêm những ngôn ngữ khác để phục vụ tốt cho công việc, ví dụ: tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha,…
Trình độ học vấn cao
Phiên dịch viên cần sở hữu bằng cấp học thuật cao. Nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên chọn phiên dịch viên có ít nhất là bằng cử nhân. Nhiều sinh viên coi ngoại ngữ là lĩnh vực nghiên cứu phụ bên cạnh chuyên ngành chính. Tuy nhiên khi sở hữu kỹ năng này, các bạn trẻ sẽ tăng cơ hội tìm việc làm tốt và nhận mức lương xứng đáng năng lực.
Khả năng tự học, trau dồi tích lũy kinh nghiệm
Thế giới không ngừng phát triển, nguồn kiến thức của nhân loại là vô tận, chúng ta sẽ không bao giờ học đủ. Vì thế phiên dịch viên cần trau dồi mỗi ngày để bắt kịp những phát triển mới bằng cách tham dự các khóa giáo dục thường xuyên, hội nghị, diễn đàn,…
Phiên dịch đòi hỏi cao ở thực hành. Bạn có thể tích lũy kinh nghiệm khi tham gia hoạt động tình nguyện, thực tập hoặc làm phiên dịch tự do. Nhiều phiên dịch viên chấp nhận trải nghiệm tại các tổ chức, công ty không lương nhằm rèn luyện vốn ngôn ngữ và kỹ năng.
Kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu
Phiên dịch bắt buộc phải sở hữu kỹ năng nghe tuyệt vời bởi họ là cầu nối truyền tải thông điệp bằng ngôn ngữ mục tiêu. Điều này không chỉ đòi hỏi khả năng nghe hiểu, mà còn phụ thuộc bởi yếu tố: nắm bắt giọng điệu và sự diễn đạt tinh tế.
Người làm công việc phiên dịch nên chủ động tìm hiểu bối cảnh văn hóa của những đối tượng khách hàng bằng cách tham khảo từ tài liệu, báo đài,… Từ đó đảm bảo cách diễn giải chính xác, sử dụng từ vựng phù hợp với từng đối tượng, từng ngữ cảnh.
Khả năng ghi chép xuất sắc
Khi làm phiên dịch, nhất là phiên dịch liên tiếp bạn phải tiếp nhận nhiều thông tin cùng lúc. Vì vậy việc ghi nhớ là hết sức quan trọng. Phiên dịch viên phải luyện khả năng ghi chép nhanh để không bỏ sót nội dung nào.
Một người phiên dịch chuyên nghiệp thường sử dụng kỹ thuật ghi nhớ bằng cách viết ký hiệu thay vì ghi toàn bộ từ ngữ. Họ sẽ tự mặc định những biểu tượng vào danh sách tham khảo hoặc tự tạo ra biểu tượng của riêng mình nhằm tiết kiệm thời gian.
Nhìn chung, công việc phiên dịch đầy thử thách và đòi hỏi những khắt khe nhất định. Phiên dịch viên giỏi là người biết cách thu hẹp khoảng cách giao tiếp cho những đối tượng không cùng ngôn ngữ. Vì vậy bạn cần chăm chỉ rèn luyện để có thể theo đuổi nghề lâu dài.
Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn thêm nhiều kiến thức để tự tin hơn vào con đường mình đã, đang hoặc sắp lựa chọn. Đừng quên theo dõi Jobsnew.vn để cập nhật thông tin bổ ích mỗi ngày.