5/5 - (4 bình chọn)

Nghề barber, hay còn gọi là thợ cắt tóc nam, sở hữu một lịch sử lâu đời và đầy biến động, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm cùng với sự phát triển của xã hội. Trong bài viết này, Jobsnew sẽ chia sẻ với bạn câu chuyện thú vị về nguồn cội của nghề, liệu xuất phát điểm của barber có phải như những gì chúng ta đã biết? Nghề barber ở Việt Nam có gì thú vị? Bạn hãy xem tiếp bài viết nhé!


1. Barber là gì?

barber
“Barber” xuất phát từ chữ Latin cổ “barba”, có nghĩa là “râu”

Barber ngày nay là người đảm nhiệm các công việc liên quan đến râu tóc của nam giới, bao gồm cạo, cắt, chải và tạo kiểu.

Nghề cắt tóc nam barber đã xuất hiện từ rất lâu đời, giúp nam giới trong việc tạo hình và chăm sóc mái tóc cũng như bộ râu của mình. Công cụ chính của barber thường là tông đơ và clipper. Với kỹ thuật điêu luyện, họ có thể tạo ra những kiểu tóc thời thượng như hiệu ứng Fade Haircut.

Fade Haircut là một trong những mẫu tóc được giới trẻ ưa chuộng hiện nay. Mẫu tóc này được phát triển từ một dáng tóc cổ điển, với mật độ tóc tăng dần lên phía trên, tạo ra sự sắc nét và phong cách nam tính. Nhờ vào kỹ thuật tinh tế của những barber, mẫu tóc này đã trở thành biểu tượng của sự sáng tạo và phong cách.

Định nghĩa và tổng quan về barber shop

Barber shop là tiệm cắt tóc nam, nơi các barber thực hiện công việc của mình. Barber shop thường mang phong cách lịch lãm, nam tính, tạo cảm giác thoải mái và thư giãn cho khách hàng.

Sau đây là tổng quan về barber shop:

  • Về lịch sử: Barber shop xuất hiện từ rất lâu đời, có thể bắt nguồn từ thời Ai Cập cổ đại. Ban đầu, barber shop chỉ đơn giản là nơi cắt tóc và cạo râu cho nam giới. Tuy nhiên, theo thời gian, barber shop dần phát triển nhiều dịch vụ liên quan râu, tóc phục vụ nam giới.
  • Về dịch vụ: Barber shop cung cấp đa dạng các dịch vụ cho nam giới, bao gồm:
    • Cắt tóc
    • Cạo râu
    • Tỉa râu quai nón
    • Uốn tóc
    • Nhuộm tóc
    • Gội đầu
    • Massage mặt
  • Về phong cách: Barber shop thường được thiết kế theo phong cách cổ điển, lịch lãm, với những gam màu tối như đen, nâu, xám. Không gian barber shop thường được trang trí với những hình ảnh liên quan đến đàn ông như xe cộ, thể thao, âm nhạc,…
  • Về sự phát triển: Barber shop ngày càng trở nên phổ biến và được ưa chuộng bởi nhu cầu làm đẹp của nam giới ngày càng cao. Do đó, barber shop cũng liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ.
  • Về văn hóa: Barber shop không chỉ là nơi cắt tóc, mà còn là nơi duy trì và phát triển một phần của văn hóa địa phương, thể hiện qua phong cách trang trí và kiểu tóc đặc trưng của nơi đó.

2. Lịch sử của nghề barber

barber
Barber Pole – Biểu tượng lịch sử của các barber shop

Nghề barber đã có từ rất lâu đời, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm và sự phát triển của xã hội. Dưới đây là cái nhìn tổng quan về lịch sử của nghề này, từ những ngày đầu đến hiện tại:

2.1. Những viên gạch đầu tiên

Mặc dù barber shop chính thức xuất hiện ở La Mã vào những năm 300 trước Công nguyên, nhưng ở Ai Cập, các barber đầu tiên đã tồn tại từ rất sớm, từ những năm 4000 trước Công nguyên. Các nhà khảo cổ đã khai quật được một số dụng cụ giống như dao cạo, được cho là của thợ tóc Ai Cập cổ đại.

Trong văn hóa Ai Cập và một số nước phương Đông, phần tóc trên đầu được coi là “cửa ngõ” để linh hồn, cả tốt lẫn xấu, xâm nhập vào cơ thể. Niềm tin này đã tạo ra nhu cầu lớn cho việc cắt tỉa gọn gàng mái tóc. Do đó, các thợ tóc trong xã hội Ai Cập đã được tôn trọng và có địa vị cao.

Ở La Mã, vào những năm 300 TCN, chỉ có tầng lớp nô lệ mới để râu, do đó việc cạo sạch râu đã trở thành phong tục để phân biệt với tầng lớp này. Vì râu được xem là dấu hiệu của sự phục tùng, trong khi người La Mã gọi các kẻ thù từ phương Bắc là “barbarians”, có nghĩa là “kẻ man rợ” trong ngôn ngữ hiện đại. Từ “Barber” cũng xuất phát từ chữ Latin cổ “barba”, có nghĩa là râu.

Trong thời kỳ đó, barder là nghề cao quý, được tôn sùng và trọng dụng, không phải ai cũng có thể trở thành barber. Bởi lẽ, trong nhiều nền văn hóa khác nhau, nghề này thường gắn liền với những phong tục và tín ngưỡng tâm linh.

2.2. Thời kỳ huy hoàng

Thời kỳ huy hoàng của nghề barber, được cho là bắt đầu từ cuối thời Trung Cổ và đầu thời Phục Hưng, tức khoảng thế kỷ XV đến XVII. Đây cũng là thời điểm nghề barber được coi trọng, trở thành một phần không thể thiếu của xã hội và phát triển mạnh mẽ.

Trong thời Trung cổ, với sự leo thang của các cuộc Thánh chiến, nhiệm vụ của barber đã mở rộng hơn, không chỉ đơn giản là cắt tóc và râu. Các barber trong thời kỳ này phải thực hiện các nhiệm vụ y tế khác như phẫu thuật, lấy máu, nhổ răng, xử lý u nhọt,… Và họ được gọi là Barber-Surgeon (Thợ cạo-Phẫu thuật).

Trách nhiệm của Barber-Surgeon vào thời này chính là nguồn gốc cho sự ra đời của Barber Pole (chiếc trụ xoay 3 màu trắng-xanh-đỏ) đã trở thành biểu tượng bất diệt không thể tách rời trong văn hóa barber.

Trong thời kỳ hưng thịnh của Barber-Surgeon, họ là những người rất được kính trọng trong xã hội châu Âu cho đến cuối thế kỷ XVII. Ví dụ, Vua Henry VIII của Anh, người có một bộ râu ấn tượng, đã ủng hộ và đề bạt các Barber-Surgeon vào các vị trí quan trọng trong hoàng gia. Thậm chí, những Barber-Surgeon này thường được phép thực hiện các ca giải phẫu trên tử tù sau khi chúng bị hành hình, nhằm phục vụ cho nghiên cứu y học.

2.3. Giai đoạn thoái trào

Thời kỳ thống trị của các barber nói chung và các Barber-Surgeon nói riêng đã kéo dài suốt hàng trăm năm, cho đến khi một sự kiện quan trọng xảy ra vào giữa thế kỷ XVIII. Vào mùa hè năm 1745, sau nhiều tranh cãi về khả năng phẫu thuật và an toàn của các barber, vai trò trong các ca phẫu thuật chính thức bị thu hẹp và các barber trở lại với vai trò cắt tóc và cạo râu. Những bác sĩ phẫu thuật được đào tạo chính thức tiếp quản nhiệm vụ mà các barber đã làm suốt hàng trăm năm qua.

Trong hai thế kỷ tiếp theo, vai trò của barber vẫn tồn tại nhưng không còn quan trọng và ảnh hưởng như trước. Sự phổ biến của phong trào đội tóc giả trong giới quý tộc châu Âu đã làm cho các barber xa lánh hơn khỏi cung điện lộng lẫy và cuộc sống xa hoa. Các tiệm barber shop dần rút lui vào những góc phố nhỏ và công việc này thường chỉ dành cho những người dân da màu, không có vị thế xã hội.

Nghề barber tạm thời rơi vào giai đoạn suy thoái. Các barber giờ đây đặt ánh hào quang quá khứ vào một bên và tiếp tục phục vụ những tầng lớp lao động, những người có vị thế xã hội không cao hơn so với họ.

2.4. Lấy lại vị thế

Năm 1893 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nghề barber. A.B. Moler, một trong những barber huyền thoại, đã thành lập học viện cắt tóc đầu tiên ở Chicago. Đây là nơi chuyên đào tạo các barber, mở ra một cánh trên con đường tái chiếm vị thế của nghề này trong xã hội.

Từ đó, nghề barber từng bước lấy lại vị thế của mình. Định nghĩa về barber trở nên rõ ràng hơn và người ta có cái nhìn mới về nghề này. Các tiệm barber shop mọc lên khắp nơi, một số vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay như Wilfred’s Barbershop & Salon ở New Hampshire (mở cửa từ năm 1937), hay Sweeney Todd’s Barber Shop ở Los Angeles (hoạt động từ năm 1947). Cùng với đó, các barber tay nghề cao dần nhận được sự công nhận và tôn trọng từ cộng đồng.

Mặc dù không còn nắm giữ vị thế quyền lực như trước đây, các barber đã tìm lại niềm đam mê và hạnh phúc trong việc dành công sức và tài năng của mình cho sự nghiệp làm đẹp của nam giới.

Nghề barber hiện nay đã trở nên thân thuộc, gắn liền với hình ảnh đời thường, được các đấng mày râu tin tưởng lựa chọn. Cùng với sự phát triển của nhu cầu xã hội, các barber shop cũng nâng cấp nhiều dịch vụ đa dạng hơn, không chỉ đơn thuần cắt tóc, cạo râu như trước mà bao gồm nhiều dịch vụ liên quan đi kèm. Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy một tiệm cắt tóc nam có tên barber ở bất cứ đâu từ thành phố lớn đến huyện nhỏ.

3. Phân biệt barber và hair stylist

barber
Dụng cụ chính họ sử dụng là điểm khác biệt đặc trưng nhất

Khi nói đến việc chăm sóc và tạo kiểu tóc, hai từ “Barber” và “Hair stylist” thường được nhắc đến. Tuy nhiên, có sự khác biệt quan trọng giữa hai nghề này, từ kỹ thuật cắt tóc đến phong cách. Dưới đây 2 điểm khác biệt chính giúp bạn phân biệt giữa nghề cắt tóc barber và hair stylist.

3.1. Kỹ thuật cắt tóc

Barber:

  • Dụng cụ chính là tông đơ, để cắt phần xung quanh đầu. Các barber thường có kỹ thuật vẩy tông đơ một cách rất điêu luyện, tạo ra hiệu ứng mờ dần, còn được gọi là Fade Haircut. Có nghĩa là, mật độ tóc càng lên phía trên sẽ càng đậm hơn, tạo nên một kiểu tóc nam tính và gọn gàng. 
  • Sau khi hoàn thành phần xung quanh, họ sử dụng kéo để chỉnh sửa và cắt tỉa phần ngọn và phần mái. Khi kết thúc, barber sẽ sử dụng dao cạo để tạo ra những nét thẳng và gọn ở phía sau gáy và mai.
  • Các barber thường ưa chuộng phong cách cổ điển và chuyên tạo ra các kiểu tóc truyền thống như faux hawk, buzz cut hoặc pompadour,…
  • Với kỹ thuật đặc trưng nên khách hàng của barber là nam giới.

Hair stylist:

  • Học kỹ thuật của hair stylist thường phức tạp hơn so với học barber. Vì họ sử dụng kết hợp nhiều dụng cụ khác nhau như kéo, tông đơ, máy uốn, lược,…. 
  • Ví dụ với kiểu tóc undercut của nam giới:
    • Họ sẽ sử dụng kéo và tông đơ kết hợp với lược để cắt phần xung quanh đỉnh đầu, tạo ra hiệu ứng Fade một cách tinh tế.
    • Sau khi hoàn thành phần xung quanh, họ sẽ chia phần tóc trên đỉnh thành những phần riêng lẻ để tạo ra độ chính xác và layer cho kiểu tóc. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các kiểu tóc dài, họ thường sử dụng kéo và lược để cắt một cách tỉ mỉ. 
    • Khi hoàn thành, hair stylist sẽ sử dụng tông đơ lưỡi số 0 thay vì dao cạo để làm gọn phần gáy và mai.
  • Hair stylist có thể cắt đa dạng kiểu tóc hơn. Họ luôn cập nhật những xu hướng tóc mới nhất, đưa ra ý tưởng cho các người nổi tiếng như diễn viên, ca sĩ, hoặc cầu thủ bóng đá.
  • Với đặc thù kỹ thuật nên khách hàng của hair stylist đa dạng hơn, gồm cả nam và nữ.

3.2. Phong cách của hair stylist và barber

Barber:

  • Phong cách đơn giản, nam tính: Barber thường ưa chuộng các phong cách cổ điển và nam tính trong cách cắt và tạo kiểu tóc.
  • Tập trung vào nam giới: Barber chủ yếu tập trung vào cắt cho nam giới, với các kiểu tóc và kiểu râu truyền thống.
  • Không chạy theo xu hướng: Barber thường không theo đuổi các xu hướng thời trang mới, thay vào đó họ tập trung vào việc duy trì và phát triển các phong cách cổ điển.

Hair stylist:

  • Phong cách đa dạng: Hair stylist thường có phong cách làm việc sáng tạo và đa dạng hơn, họ sẵn sàng thử nghiệm với các kiểu tóc và màu sắc mới.
  • Phục vụ đa dạng đối tượng: Với sự linh hoạt trong các kiểu tóc và phong cách, hair stylist chủ yếu tập trung vào cắt, tạo kiểu tóc và cho cả nam và nữ.
  • Theo đuổi xu hướng thời trang: Họ thường cập nhật và theo đuổi các xu hướng thời trang mới nhất trong ngành làm đẹp, luôn sẵn lòng tạo ra các kiểu tóc mới và hiện đại cho khách hàng.

4. Barber ở Việt Nam

barber
Những barber shop đầu tiên tại Việt Nam

Từ tập quán búi tóc đến những barber đầu tiên:

Từ thời cổ xưa của Văn Lang, người Lạc Việt đã có truyền thống nhuộm răng đen, búi tóc, và ăn trầu. Nét văn hóa này đã tồn tại qua hàng nghìn năm và dẫn đến xu hướng chăm sóc tóc của người Việt thường xoay quanh việc búi tóc. Trong thời kỳ đó, chỉ nhà sư mới cắt tóc, đó là khi khi xuất gia và thậm chí việc này cũng được thực hiện bởi những người sư khác. Do đó, nghề thợ tóc gần như không tồn tại ở Việt Nam trong một thời gian rất dài và hiển nhiên là người ta cũng không biết barber là gì.

So với thế giới, nghề thợ tóc ở Việt Nam có vẻ như được sinh ra muộn màng. Mãi đến những năm đầu của thế kỷ XX, những thợ tóc đầu tiên mới bắt đầu xuất hiện. Trong giai đoạn này, do ảnh hưởng từ phong trào Đông Du được khởi xướng bởi Phan Bội Châu, người Việt đã tiếp thu văn hóa từ Nhật Bản và bắt đầu chọn cách cắt tóc ngắn thay vì búi tóc như trước. Sự thay đổi này đã dẫn đến sự xuất hiện của những thợ tóc đầu tiên.

Nhiều người xưa kể lại, thợ tóc đa phần là người dân làng Kim Liên, nên sau này nhiều người xem đây là nơi khởi nguồn nghề tóc ở Việt Nam. Hàng năm vào ngày 15, 16 tháng 3 âm lịch, dân làng Kim Liên cùng những người làm nghề tóc lại tề tựu về đình làng để làm lễ tri ân tổ nghiệp.

Từ “salon vỉa hè” đến barber shop:

Qua nhiều biến cố của thời gian, thợ tóc Việt đã không còn chỉ đi khắp nơi để làm việc, mà bắt đầu mở ra những tiệm cắt tóc nhỏ. Gọi là tiệm cắt tóc nhưng chúng thường chỉ có một chiếc ghế, một tấm gương và một chiếc bàn chứa đồ nghề, tất cả nằm gọn gàng ở một góc vỉa hè nào đó. Dưới bóng cây cổ thụ, khách hàng thư thả ngồi và nghe nhạc bolero từ chiếc radio, trong khi nghe tiếng lách cách của cây kéo cũ và tiếng rè rè của chiếc tông đơ trong tay của những thợ tóc.

Những năm 90 của thế kỷ trước có thể coi là thời kỳ hoàng kim của những “salon vỉa hè” ở Việt Nam. Trong khi những hair salon phục vụ cho quý bà phát triển rực rỡ với nhiều trang bị hiện đại, không gian sang trọng và mùi thuốc nhuộm đặc trưng, thì cả thợ cắt tóc vỉa hè và những quý ông ngồi kia đều không có nhu cầu dịch chuyển vào một cửa hàng sang trọng nào khác. 

Đối với họ, tay nghề cắt tóc mới đóng vai trò quan trọng nhất, là tiêu chí hàng đầu để họ chọn một chiếc ghế và giao mái tóc của mình cho một thợ tóc nào đó. Mặc dù đơn giản, nhưng tại những góc vỉa hè như thế, những nét phác thảo đầu tiên của bức tranh barber shop tại Việt Nam đã được hình thành.

Sự phát triển của barber Việt Nam:

Cùng với việc mở cửa và hội nhập, văn hóa Barber dần đi vào đời sống của nam giới Việt, và nghề Barber cũng bắt đầu được chú ý. Các Barber shop dần trở nên phổ biến hơn, người ta cũng quen với hình ảnh đám đông nam giới kiên nhẫn ngồi trên những chiếc ghế da, chờ đến lượt được chăm sóc râu tóc bởi những “gã thợ xăm trổ”.


Kết luận

Nghề barber đã trải qua một hành trình dài, từ những bước khởi đầu đơn sơ ở Ai Cập cổ đại đến sự phát triển rực rỡ của Barber-Surgeon và tiếp tục biến đổi qua các thời kỳ lịch sử. Barber không chỉ là một nghề đơn thuần, mà còn là một biểu tượng văn hóa, thể hiện phong cách và đẳng cấp của phái mạnh.

Nghề barber đã và đang tiếp tục phát triển, hòa quyện giữa dòng chảy lịch sử và phong cách hiện đại. Barber shop không chỉ là nơi cắt tóc, mà còn là nơi thư giãn, giao lưu và thể hiện cá tính của phái mạnh.

Bạn có thể xem thêm nhiều bài viết cùng chủ đề tại: Jobsnew